Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 3

CÁC SÁCH PHÚC ÂM  

     Tác giả đã được phép mô tả sự nghiệp tuyệt vời của Mẹ Maria sau Công Đồng các thánh Tông Đồ lần thứ nhất, các chiến thắng vinh quang Mẹ chống lại Lucifer và các quỉ hỏa ngục. Nhưng không thể nào ghi lại hết các việc lạ lùng Mẹ đã làm trong một bộ lịch sử, ngay cả đến tóm lược cũng không thể được. Tác giả được cho biết các sự việc về lúc khởi đầu viết các Sách Phúc Âm và ơn kêu gọi các Thánh Sử thi hành việc này. Tác giả được cho thấy Mẹ Maria góp phần trong việc viết các Sách Phúc Âm, Mẹ ân cần lo lắng cho các thánh Tông Đồ khi các ngài đi rao giảng, và những phép lạ Mẹ làm cho các ngài. Tác giả đã nói Đức Hiền Mẫu thiên đàng thấu triệt cách sâu sắc các mầu nhiệm ân sủng, các Sách Phúc Âm và những Sách Thánh khác nền tảng Luật mới. Mẹ Maria được củng cố nhiều lần về sự hiểu biết này, đặc biệt là trong ngày Mẹ về thiên đàng cùng với Thiên Chúa Con Mẹ. Mẹ thường phủ phục cầu nguyện xin Chúa soi sáng các thánh Tông Đồ, các Thánh Sử và xin Chúa truyền cho các ngài viết Phúc Âm, khi tới thời điểm thích hợp.

 Sau khi Đức Nữ Vương từ thiên đàng trở lại trần thế và được ủy thác trách nhiệm Giáo Hội, Chúa cho Mẹ biết đã tới thời điểm khởi đầu viết các Sách Phúc Âm; Mẹ Maria, là Mẹ và Thầy Giáo Hội, sẽ sắp đặt mọi việc vì mục đích này. Vì khiêm nhượng và thận trọng, Mẹ xin Chúa chấp thuận là việc viết Phúc Âm cần phải được thánh Phêrô trách nhiệm, vì ngài là Đại Diện Chúa, là Thủ Lãnh Giáo Hội; thánh Phêrô cần phải được Chúa soi sáng phù trợ đặc biệt về vấn đề hết sức trọng đại này. Thiên Chúa Tối Cao thuận ban mọi điều theo ý Mẹ. Thánh Luca ghi ở Chương 15 Tông Đồ Công Vụ: sau khi các ngài đã giải quyết những nghi vấn về việc cắt bì, thánh Phêrô nêu lên với tất cả các thánh Tông Đồ sự cần thiết phải ghi chép lại thành văn bản các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thầy chúng ta, ngõ hầu các mầu nhiệm đó được rao giảng cho các tín hữu mà không chút dị biệt, như thế chấm dứt Luật Cũ và thiết lập Luật Mới.

 Sau khi thánh Phêrô lãnh ý Đức Hiền Mẫu, và toàn thể hội đồng chấp thuận đề nghị này. Các ngài xin Chúa Thánh Thần chỉ định các Tông Đồ và môn đệ sẽ viết về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Lập tức một làn ánh sáng được nhìn thấy rõ ràng bao phủ thánh Phêrô, mọi người nghe rõ ràng tiếng nói: “Vị thượng tế và thủ lãnh Giáo Hội sẽ chỉ định bốn người ghi chép lại các việc làm và các lời giáo huấn của Chúa Cứu Thế.” Thánh Phêrô và mọi người hiện diện phủ phục trên đất, cảm tạ ơn Chúa vì đặc ân này. Khi mọi người chỗi dậy, thánh Phêrô nói: “Mátthêu, người anh em yêu dấu của chúng ta, sẽ lập tức khởi đầu viết Phúc Âm nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Marcô sẽ là người thứ nhì, cũng vậy, sẽ viết Phúc Âm nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Luca sẽ là người thứ ba viết Phúc Âm nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Gioan, người anh em yêu dấu của chúng ta, là người thứ bốn và cuối cùng viết các mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế và Thầy chúng ta nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.” Chúa xác nhận quyết định này bằng việc để cho làn ánh sáng đó vẫn sáng rõ cho tới khi các lời này được lặp đi lặp lại và được các vị thụ thác long trọng chấp nhận.

 Chỉ ít ngày sau đó thánh Mátthêu khởi đầu viết Sách Phúc Âm thứ nhất (thường gọi: Phúc Âm Nhất Lãm). Khi ngài đang cầu nguyện trong tĩnh phòng tại Nhà Tiệc Ly xin ơn soi sáng cho việc khởi đầu Sách Phúc Âm, mặc dù các cửa phòng vẫn còn cài then, Mẹ Maria uy nghi rực rỡ hiện đến với ngài. Thánh Mátthêu chỗi dậy xin Mẹ chúc lành. Kế đó Mẹ Maria nói: “Này Mátthêu, con của Mẹ, Thiên Chúa Toàn Năng phái Mẹ đem ân sủng Chúa tới cho con, để với ơn Chúa, con khởi đầu viết Sách Phúc Âm mà con tốt phước được uỷ thác. Trong ân sủng Chúa, con sẽ được Chúa Thánh Thần hỗ trợ và Mẹ hết lòng xin cho con. Nhưng con đừng viết gì về Mẹ ngoại trừ những điều tuyệt đối cần thiết để làm sáng tỏ việc Ngôi Lời Nhập Thể, các mầu nhiệm khác của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, và cho việc xây dựng Đức Tin vào Chúa nơi trần gian làm nền tảng Giáo Hội. Khi tới thời điểm thích hợp, Thiên Chúa Toàn Năng sẽ chọn những người khác để tiết lộ cho các tín hữu những mầu nhiệm và hồng ân được quyền năng Chúa làm nơi Mẹ.” Thánh Mátthêu bầy tỏ sẵn sàng vâng theo lời Mẹ. Trong khi ngài thảo luận với Mẹ về nội dung Sách Phúc Âm ngài viết, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ngài dưới hình thức rõ ràng. Lập tức trong khi Mẹ Maria hiện diện, thánh Mátthêu bắt đầu viết phần đầu Phúc Âm của ngài. Thánh Mátthêu tiếp tục viết và hoàn tất Sách Phúc Âm tại Judea. Thánh Mátthêu viết Phúc Âm bằng ngôn ngữ Hi-bru (Do Thái) vào năm 42 kỷ nguyên Thiên Chúa.

 Thánh Sử Marcô viết Sách Phúc Âm của ngài bốn năm sau, vào năm 46 sau ngày Chúa Cứu Thế giáng sinh. Thánh Marcô cũng viết Sách Phúc Âm bằng ngôn ngữ Hi-bru khi ở Palestine. Trước khi bắt đầu viết Sách Phúc Âm, thánh Marcô xin thiên thần bản mệnh trình lên Mẹ Maria ý định của ngài và xin Mẹ trợ giúp để được ơn Chúa soi sáng về nội dung sắp viết ra. Đức Hiền Mẫu nghe lời ngài xin; lập tức Chúa truyền cho các thiên thần với nghi thức và sự uy nghi thường lệ đưa Mẹ Maria tới nơi thánh Marcô trong khi ngài đang cầu nguyện. Quì nơi chân Mẹ, thánh Marcô nói: “Lạy Mẹ Chúa Cứu Thế và Nữ Vương muôn loài, con không xứng đáng được hưởng đặc ân này, mặc dầu con là tôi tớ Thiên Chúa Con Mẹ và Mẹ.” Mẹ Maria đáp: “Thiên Chúa Tối Cao, Đấng mà con phụng sự và yêu mến, phái Mẹ tới để bảo đảm với con rằng lời con cầu nguyện được Chúa chấp nhận, Thần Linh Chúa sẽ hướng dẫn con trong việc viết Sách Phúc Âm mà Chúa đã ủy thác cho con.” Kế đó Mẹ bảo thánh Marco đừng viết về các mầu nhiệm liên quan tới Mẹ, như đã bảo thánh Mátthêu. Lập tức Chúa Thánh Thần, dưới hình rõ ràng vô cùng rực rỡ, ngự xuống trên đầu thánh Marcô, bọc ngài trong ánh sáng, đổ xuống cho ngài tràn đầy ơn soi sáng. Trước mặt Mẹ Maria, ngài khởi sự viết Sách Phúc Âm. Vào thời gian này, Mẹ Maria tròn tuổi 61.

 Hai năm sau, vào năm 48 Kỷ Nguyên Thiên Chúa và Đức Trinh Mẫu Maria 63 tuổi, thánh Luca viết Sách Phúc Âm bằng ngôn ngữ Hy Lạp. Mẹ Maria cũng đến với thánh Luca như Mẹ đã đến với các Thánh Sử khác khi ngài khởi sự viết Sách Phúc Âm tại Akaia. Thánh Luca trình lên Mẹ Maria rằng vì mục đích làm sáng tỏ Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và cuộc đời trần thế của Thiên Chúa Con Mẹ, cần phải đề cập tới sự kiện đích thực của việc bẩm thai Ngôi Lời Thiên Chúa làm người và những điều liên quan đến địa vị Mẹ là Mẹ tự nhiên của Chúa Kitô. Sau khi được Mẹ yêu cầu bỏ qua không nói tới các mầu nhiệm và các điều lạ lùng khác liên quan tới địa vị Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, thánh Luca được phép tự do viết đôi điều về Mẹ Maria trong Phúc Âm của ngài. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên thánh Luca và trước mặt Mẹ Maria, thánh Luca bắt đầu viết Phúc Âm, dùng các dữ kiện được chính Mẹ Maria chỉ bảo trực tiếp. Thánh Luca tiếp tục là môn đệ nhiệt thành tận tụy nhất đối với Mẹ, không bao giờ để phai mờ hình ảnh Đức Hiền Mẫu dịu dàng và uy nghi tuyệt vời mà ngài được thấy trong dịp này.

 Cuối cùng trong bốn Thánh Sử là thánh Tông Đồ Gioan viết Phúc Âm năm 58 Kỷ Nguyên Thiên Chúa. Thánh Gioan viết Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp khi lưu ngụ tại vùng Tiểu Á sau ngày Mẹ Maria rất thánh từ trần và được rước cả Hồn Xác về thiên đàng. Phúc Âm thánh Gioan viết trực tiếp chống lại những người lạc giáo và những sai lầm mà, ngay sau khi Đức Trinh Mẫu từ trần và được rước về thiên đàng, ma quỉ bắt đầu gieo rắc để phá hoại đức tin vào Mầu Nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể. Vì Lucifer bị nhục nhã và bị khống chế bởi mầu nhiệm này, nó lập tức hướng mũi dùi tấn công dữ dội qua những người lạc giáo chống lại mầu nhiệm này. Vì thế Thánh Sử Gioan viết hết sức siêu phàm, ngài viện dẫn rất nhiều lý lẽ minh chứng tính chất đích thực bất khả nghi vấn về Thiên Tính của Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta, vượt xa các Thánh Sử khác về lãnh vực này.

 Khi Thánh Sử Gioan sắp sửa khởi đầu viết Phúc Âm, Mẹ Maria rực rỡ huy hoàng trong vinh quang uy nghi, có hàng ngàn thiên thần thuộc mọi đẳng trật vây quanh hiện ra với ngài. Khi hiện ra với thánh Sử, Mẹ nói: “Gioan, con của Mẹ và tôi tớ Thiên Chúa Tối Cao, bây giờ là thời điểm thích hợp để viết về cuộc đời và các mầu nhiệm của Thiên Chúa Con Mẹ, ngõ hầu nhân loại có thể biết được Con của Mẹ là Con Thiên Chúa Cha hằng hữu, là Thiên Chúa thực và đồng thời là người thực. Nhưng chưa tới thời điểm thích hợp viết lại các mầu nhiệm con biết về Mẹ; các mầu nhiệm đó cũng sẽ chưa được tỏ hiện cho thế giới quá quen với việc sùng bái ngẫu thần, để Lucifer không thể lạm dụng khuấy phá những người sẽ nhận được Đức Tin vào Chúa Cứu Thế và Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp con, Mẹ muốn con khởi sự viết trước sự hiện diện của Mẹ.” Được Đức Hiền Mẫu trợ giúp, thánh Gioan lập tức bắt đầu viết Phúc Âm của ngài. Trước khi Mẹ Maria rất thánh về ngự bên hữu Thiên Chúa Con Mẹ, Mẹ chúc lành cho thánh Gioan và hứa bảo vệ ngài suốt đời.

 Trên đây là các phần khởi đầu các Sách Phúc Âm, cả bốn Sách Phúc Âm đều được khởi đầu nhờ sự giúp đỡ và do lời cầu bầu của Mẹ Maria, cho Giáo Hội hiểu rằng tất cả mọi đặc ân này đều được ký thác nơi Mẹ. Sau khi lược qua về các Thánh Sử để giải thích các phần khởi đầu bốn Phúc Âm, bây giờ chúng tôi trở lại phần tường trình của chúng tôi.

 Sau Công Đồng các thánh Tông đồ, Mẹ Maria gia tăng lòng ân cần săn sóc lo lắng cho phúc lợi của Giáo Hội càng nhiều. Tới thời gian này đức tin ngày ngày được truyền bá khắp thế giới. Là Hiền Mẫu và là Thầy đích thực, Mẹ hết sức chú ý lo lắng cho các thánh Tông Đồ, danh tánh và phúc lợi của các ngài được ghi khắc nơi trái tim Mẹ. Tất cả các thánh Tông Đồ, ngoại trừ thánh Gioan và thánh Giacôbê thứ, ngay sau khi Công Đồng bế mạc, đã rời khỏi Jerusalem trở về nhiệm sở. Mẹ Maria yêu thương lo lắng cho các ngài vì những khổ cực khó khăn các ngài gặp trên đường rao giảng Phúc Âm. Mẹ xót thương các ngài hành trình gian khổ. Mẹ dành cho các ngài lòng tôn kính cao độ vì sự thánh thiện, vì chức linh mục và là Tông Đồ của Thiên Chúa Con Mẹ, là những người xây dựng Giáo Hội, là người rao giảng giáo lý của Chúa, là những người được Chúa Thánh Thần chọn vào các chức vụ cao quí đó vì vinh danh Đấng Tối Cao.

 Vì hiểu biết và lo lắng cho toàn thể Giáo Hội, Mẹ Maria ủy thác cho các thiên thần việc săn sóc giúp đỡ các thánh Tông Đồ và môn đệ, an ủi trong mọi thống khổ, tức thời giúp đỡ đối với mọi khó khăn. Nhờ tính chất mau lẹ của bản chất thần linh, các thiên thần có thể làm mọi việc này mà không mất đi việc vui hưởng chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Mẹ cũng yêu cầu các ngài thông báo cho Mẹ mọi việc các thánh Tông Đồ và môn đệ đang làm, và khi các vị đó cần y phục. Mẹ lo lắng đặc biệt chăm sóc y phục cho các thánh Tông Đồ và môn đệ, ngõ hầu các ngài có thể mặc y phục như khi rời khỏi Jerusalem. Do tiên liệu khôn ngoan, suốt thời gian Mẹ Maria còn tại thế, tất cả các thánh Tông Đồ mặc y phục có hình thức và mầu giống hệt y phục của Thiên Chúa Con Mẹ. Được các thiên thần phụ giúp, chính tay Mẹ đan những chiếc áo dài và nhờ các thiên thần đem tới cho các thánh Tông Đồ đang lặn lội rao giảng. Trang phục cho các thánh Tông Đồ giống hệt Chúa Cứu Thế, Đức Hiền Mẫu muốn rằng các thánh Tông Đồ rao giảng giáo lý và cuộc đời cực thánh của Chúa ngay cả bằng y phục bề ngoài. Về các nhu cầu sinh sống khác, Mẹ để cho các ngài phải hành khất, phải lao động để có lương thực hằng ngày, hoặc của bố thí được tặng cho các ngài.

  Theo lời yêu cầu của Mẹ Maria, các thiên thần thường xuyên trợ giúp các thánh Tông Đồ trong các hành trình và lao khổ vất vả. Đặc biệt các thiên thần bảo vệ các thánh Tông Đồ khi các ngài bị đàn áp hành hạ bởi dân ngoại, người Do Thái và cả bởi ma quỉ nữa, mà lũ này thường xuyên xúi giục những người ác tâm chống lại các vị rao giảng Phúc Âm. Các thiên thần thường hiện ra thăm viếng các thánh Tông Đồ, chuyện trò và nhân danh Mẹ Maria an ủi các ngài. Nhiều khi các thiên thần thi hành cũng những việc đó nhưng không hiện ra. Đôi khi các thiên thần giải thoát các thánh Tông Đồ khỏi ngục tù, hoặc cảnh giác các ngài về những nguy hiểm và cạm bẫy. Có khi thiên thần báo cho các ngài biết những điều phải làm tùy theo hoàn cảnh đặc biệt tại một số nơi hoặc một số sắc dân nào đó. Các thiên thần cũng trình mọi sự việc này lên Mẹ Maria. Không thể nào kể hết những săn sóc, lo lắng và các việc làm chuyên cần của Đức Hiền Mẫu nhân từ yêu thương. Không một ngày một đêm nào qua đi mà Mẹ Maria không làm biết bao nhiêu phép lạ cho các thánh Tông Đồ và Giáo Hội. Bên cạnh tất cả những điều này, Mẹ còn nhiều lần viết thơ cho các thánh Tông Đồ, làm cho các ngài phấn khởi bằng những lời thúc đẩy và giáo huấn thiên đàng khiến các ngài được an ủi và mạnh sức.

 LỜI MẸ MARIA

 

Con yêu dấu của Mẹ, nhiều lần Mẹ nói với con về lời Mẹ phiền trách con cái Giáo Hội vì tội thiếu kính trọng các linh mục. Mẹ phiền trách cách riêng các phụ nữ vì nơi họ tội lỗi này nặng nề hơn. Trong mắt Mẹ, tội này hết sức ghê tởm, vì đối nghịch với cách Mẹ cư xử khi ở trần thế. Mẹ nhắc lại điều đó ở đây, để con có thể bắt chước, xa lánh những tội mà các phụ nữ dại khờ và các con gái của Belial mắc phạm, đó là thiếu kính trọng các linh mục của Thiên Chúa Tối Cao. Tội này ngày càng gia tăng trong Giáo Hội, vì thế Mẹ nhắc lại lời cảnh cáo này như đã nhiều lần được ghi.

 Con của Mẹ, con hãy nói Mẹ nghe phải nghĩ gì về sự kiện các linh mục, những người được Chúa xức dầu, được chỉ định đại diện Chúa Kitô thánh hiến Mình và Máu Thánh Chúa, lại phục vụ những người đê tiện, dơ dáy và trần tục? Phải nghĩ thế nào khi các linh mục công khai kính cẩn đối với một phụ nữ ngạo mạn và khốn nạn, chỉ vì người đó giàu sang, còn các linh mục thì nghèo khó? Mẹ hỏi, phải chăng các linh mục nghèo nàn có phẩm cách kém hơn những người giàu sang? Hoặc của cải làm cho phẩm cách trở nên lớn lao hơn hoặc ngang bằng, quyền hành hơn và siêu việt hơn, so với phẩm cách được Thiên Chúa Con Mẹ ban cho các linh mục và các thừa tác viên của Ngài? Các thiên thần không biệt đãi người giàu vì tài sản của họ, nhưng kính trọng phẩm cách và địa vị cao quí của linh mục. Vì thế, tại sao sự lạm dụng và đồi trụy đó lại len lỏi vào Giáo Hội được, đến độ các vị được Chúa xức dầu bị xúc phạm, bị khinh thường bởi các tín hữu, những người này biết và nhìn nhận các linh mục được chính Chúa Kitô thánh hoá?

 Thực ra chính các linh mục đó lầm lỗi và đáng bị quở trách khi bất chấp phẩm giá mình, tự mình nô lệ phục vụ người khác. Nhưng nếu các linh mục có lý do nào đó để bào chữa tình trạng nghèo nàn của mình, thì những người giàu có không thể viện lý do nào để bào chữa sự kiêu căng của họ. Điều kỳ quái này ghê tởm đối với các thánh và khó chịu trước mắt Mẹ vì lòng kính trọng Mẹ có đối với các linh mục. Phẩm cách địa vị hết sức cao cả của Mẹ là Mẹ Thiên Chúa; dẫu vậy Mẹ thường phủ phục nơi chân các linh mục (các thánh Tông Đồ) và cho việc hôn đất nơi các  ngài đặt chân là hạnh phúc lớn lao. Nhưng sự mù quáng của loài người đã làm lu mờ phẩm giá địa vị linh mục tư tế, lẫn lộn vàng với thau (Jer. 15:19). Thế gian đã hạ các linh mục xuống hàng thứ dân do các luật lệ và tập quán bừa bãi phóng đãng của nó (Is. 25:2). Họ dùng mọi cách để hạ giá các linh mục. Cũng vị tư tế đó hiến dâng của lễ vô cùng cao cả là Mình Máu Thánh Chúa nơi bàn thánh, sau đó phải tự khuất mình phục vụ những người hạ cấp.

 Con của Mẹ, vì thế Mẹ muốn con, với hết khả năng, tìm cách đền bù tội lỗi và sự lạm dụng này trong con cái Giáo Hội. Mẹ cho con hiểu rằng từ thiên đàng Mẹ nhìn các linh mục nơi trần thế với lòng tôn kính quí trọng. Con phải luôn hướng về các linh mục với lòng tôn kính như khi các ngài ở nơi bàn thánh, hoặc cầm Thánh Thể Chúa trong tay hoặc ủ trong ngực. Cả đến phẩm phục của các linh mục con cũng phải hết sức kính trọng, y như Mẹ đã kính trọng cung cấp y phục cho các thánh Tông Đồ.